ac.hailevan@gmail.com

Mr Hải 0911 455 379

PHÁT TRIỂN Y TẾ SỐ CẦN TẦM NHÌN XUYÊN BIÊN GIỚI

Ngày: 27/11/2019 | Bởi: Quản Trị


Khi có sự phù hợp về công nghệ, có ý tưởng tốt để áp dụng cách làm mới và giải quyết những khó khăn tương đồng trong lĩnh vực y tế, việc hợp tác y tế số không còn là câu chuyện gói gọn trong biên giới bất kỳ quốc gia nào.

“Việt Nam và bất kỳ thị trường nào ngoài thị trường bản địa ban đầu của mỗi công ty đều có những khác biệt. Điều quan trọng nhất để hợp tác giữa các hệ thống y tế là sự thấu hiểu thử thách của thị trường bản địa, về khả năng tiếp cận y tế, về nguồn lực bác sĩ…,” Chris Stefanowicz, phó giám đốc phụ trách chiến lược quốc tế và phát triển kinh doanh tại Việt Nam và Đông Nam Á của Babylon Health chia sẻ tại sự kiện về hợp tác y tế số giữa Việt Nam và Anh tại TP.HCM cuối tuần rồi.

Babylon Health là một trong khoảng 10 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ y tế số từ Anh tham gia giao lưu cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các startup y tế Việt Nam nhằm tìm cơ hội hợp tác và mở rộng thị trường. Đoàn doanh nghiệp Anh gồm các startup y tế, công ty tư vấn, công ty bảo hiểm… đa phần có phạm vi hoạt động toàn cầu.

Phát triển y tế số cần tầm nhìn xuyên biên giới - ảnh 1

Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh trao đổi tại sự kiện hợp tác y tế số giữa Việt Nam và vương quốc Anh. Ảnh: Bích Trâm

Babylon Health được đánh giá là startup y tế số (digital health) hàng đầu tại Anh với giá trị gần 2 tỉ USD, nhờ giải pháp chăm sóc sức khỏe dựa vào công nghệ AI cung cấp cho người dùng dịch vụ y tế mức giá phải chăng và dễ dàng tiếp cận hơn. Ra mắt năm 2014, Babylon Health hiện có hơn 4,5 triệu người dùng và hiện diện ở 18 thị trường.

“Cách duy nhất để hợp tác giữa các hệ thống y tế khác nhau là thấu hiểu những thách thức của thị trường bản địa. Có nhiều khác biệt giữa những thị trường y tế khác nhau, tuy nhiên tôi cho rằng chìa khóa của sự hợp tác là tìm ra cả những điểm chung và những thử thách đặc thù,” Chris Stefanowicz nói.

Thử thách đặc thù tại thị trường Việt Nam theo Chris là khả năng tiếp cận và giá cả y tế. Các chuyên gia cũng cho rằng sự khác biệt về hệ thống y tế giữa các thị trường không phải ở hạ tầng mà nằm ở nền tảng kỹ thuật của các bên. Về kỹ thuật, ngày nay không còn là trở ngại lớn nhờ khả năng tiếp cận kỹ thuật đang được thúc đẩy rất nhanh.

BS.Nguyễn Thành Danh, chuyên gia tư vấn quản lý dự án y tế số cho rằng startup là không biên giới, miễn phù hợp về công nghệ và y khoa là có thể “gắn” các hệ thống với nhau. Ngành y tế cũng dễ thống nhất, các chuẩn bệnh tật, code… đều có chuẩn toàn cầu. Một doanh nghiệp ở Anh có thể cài phần mềm của công ty Mỹ cho một bệnh viện ở Singapore, hay một công ty bảo hiểm toàn cầu đến đâu sẽ kết nối đối tác ở đó…

“Các startup y tế số Việt Nam cần tầm nhìn toàn cầu để nắm bắt được các cơ hội hợp tác này,” theo ông Danh.

Jio Health, một ứng dụng chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu, đã nhận được nhiều quan tâm của các doanh nghiệp Anh. Ra mắt năm 2014, hồi đầu tháng 4.2019, Jio Health gọi vốn thành công 5 triệu USD vòng series A do quỹ đầu tư mạo hiểm Monk’s Hill Ventures dẫn đầu. Đại diện công ty cho biết mục tiêu tiến đến các thị trường có hành vi tiêu dùng hoặc tình trạng y tế tương đồng Việt Nam,.

Phát triển y tế số cần tầm nhìn xuyên biên giới - ảnh 2

Các diễn giả tại phiên thảo luận. Từ trái qua: chuyên gia Nguyễn Thành Danh, ông Rameen Shakur – chủ tịch Cambridge Heartwear, ông Nguyễn Hoài Nam – tổng giám đốc Jio Health,  ông Gaurav Kala – giám đốc chiến lược mảng y tế và AI ứng dụng tại Teleglobal Consulting và ông Nick Grant – chuyên gia tư vấn công ty Servita. Ảnh: Bích Trâm

Nguyễn Hoài Nam, tổng giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam của Jio Health tiết lộ sắp tới công ty sẽ cùng với TS.Rameen Shakur, nhà sáng lập kiêm CEO công ty phát triển thiết bị y tế và ứng dụng AI Cambridge Heartwear của Anh thảo luận về cơ hội hợp tác công nghệ.

“Ngày nay rất nhiều người đeo thiết bị đo nhịp tim, nhịp chạy…, chứng tỏ họ quan tâm đến sứa khỏe. Nếu các chỉ số đó được tích hợp vào ứng dụng Jio Health với độ chính xác cao, sẽ là một công cụ tốt cho các bác sĩ tham khảo để hiểu rõ hơn tình trạng bệnh nhân,”  Nam chia sẻ.

Việc hợp tác y tế số với những quốc gia phát triển được các chuyên gia đánh giá sẽ giúp ích rất nhiều cho các startup y tế Việt Nam. Theo BS.Danh, cách đây chừng hai năm, ông thường khuyên các startup y tế số chỉ nên hoạt động ở mảng kết nối người dùng với bác sĩ, phòng mạch, bệnh viện tư. Nhưng hiện sự kết nối đã dễ dàng hơn, trong bối cảnh ngành y tế Việt Nam trong năm qua đã thúc đẩy thực hiện bệnh án điện tử, hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến…

Chia sẻ với Forbes Việt Nam, Chris Stefanowicz cho biết các công ty công nghệ y tế ở Anh có được nhiều kiến thức hữu ích từ hệ thống y tế công đã phát triển mạnh trong hơn 70 năm qua, và đặc biệt là sự hợp tác y tế số chặt chẽ giữa khu vực công và tư.

“Với các startup y tế Việt Nam, tôi nghĩ chỉ cần chứng minh được mình có ý tưởng tốt và hiệu quả, có thể tiến ra hợp tác với cả thế giới chứ không chỉ ở thị trường nội địa,” Chris Stefanowicz nói.

Vương quốc Anh được bình chọn có hệ thống y tế hiệu quả nhất trong số 11 quốc gia được đánh giá bởi tổ chức Commonwealth Fund năm 2014. Cơ quan quản lý dịch vụ y tế quốc gia (NHS) kết nối hơn 28.000 hệ thống công nghệ thông tin y tế ở 21.000 tổ chức, lưu trữ hơn 500 triệu hồ sơ và tài liệu, xử lý 6 tỉ tin nhắn mỗi năm.

Theo số liệu của AMR-Roland Berger, thị trường y tế số toàn cầu tăng trưởng 20% hàng năm, từ 80 tỉ USD năm 2015 ước đạt đến 200 tỉ USD từ năm 2020.

Nguồn: Forbes Việt Nam

Contact Me on Zalo
0911455379