ac.hailevan@gmail.com

Mr Hải 0911 455 379

Chuyện về người phụ nữ sáng lập ngành điều dưỡng

Ngày: 12/05/2020 | Bởi: Quản Trị


Là con gái một gia đình giàu có ở Anh, Florence Nightingale (1820-1910) luôn được cha mẹ kỳ vọng là sẽ trở thành một người có vai vế. Tuy nhiên, cô lại có những dự tính riêng. Từ tuổi 16, Florence nhận ra mình đã được Chúa ban cho một sức mạnh nội tâm huyền bí để chăm sóc người khác.

Florence có tư chất thông minh, thích đọc sách về triết học, tôn giáo, chính trị và cảm thấy rất thú vị khi chăm sóc cho những nông dân bị đau ốm và cả súc vật nuôi trong gia đình. Niềm đam mê của nàng là bí mật tìm đọc các sách dạy cách chăm sóc người bệnh mà nàng thu thập được, rồi đi thăm các bệnh viện tại London và những vùng lân cận.

Khi Florence thông báo là không muốn trở thành người có địa vị trong xã hội, gia đình đã hết sức tức giận. Cha mẹ nàng không hề muốn con mình làm những việc “dơ bẩn” nên đã tìm đủ cách ngăn cản để thay đổi suy nghĩ của con. Chị nàng thì giả vờ ngất, mẹ nàng mắng con là làm điều trái luân lý… Đầu thế kỷ thứ 19, việc phụ nữ làm nghề chăm sóc cho bệnh nhân hay theo học ngành y là một điều sỉ nhục đối với những cô gái “con nhà”. Không trường y nào chịu nhận phái nữ vì cho rằng họ không thể học được, cũng không thể thích nghi với những cách làm việc trong môi trường máu me.

Tuy nhiên, tiểu thư Nightingale vẫn trung thành với lý tưởng đã đặt ra và tiếp tục đấu tranh với gia đình. Cuối cùng, nàng đạt được một thỏa hiệp với cha, rằng nếu được đến bệnh viện Kaiserwerth ở Đức để học tập, nàng sẽ tuyệt đối không tiết lộ cho ai biết về kế hoạch của mình. Florence đã trở thành một sinh viên xuất sắc và khi đã tốt nghiệp, nàng theo học thêm ở Paris (Pháp) vào năm 1853. Sau đó, nàng trở lại London và điều hành một bệnh viện.

Florence không muốn lập gia đình để toàn tâm theo đuổi các hoạt động xã hội. Năm 30 tuổi, bà đã trở thành người điều hành và tổ chức chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo khổ tại thủ đô nước Anh, sắp xếp hợp lý và đưa ra các tiêu chuẩn cho công tác điều dưỡng. Trong vòng 2 năm, bà đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo đầy quyền uy tại các bệnh viện ở xứ sở sương mù.

Sau đó, theo yêu cầu của chính phủ Anh, Florence đồng ý đến Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến Crimée (1854-1856) với cương vị chỉ huy đội điều dưỡng và tổ chức chăm sóc thương bệnh binh tại mặt trận. Trong thời gian này, Florence đã tổ chức bệnh viện dã chiến tại mặt trận. Đây là những hoạt động đầu tiên trong việc xây dựng các bệnh viện tân tiến có sự quản lý điều trị của đội ngũ điều dưỡng.

Trong suốt cuộc chiến Crimée, bà đảm nhiệm công tác điều dưỡng, săn sóc cho các thương bệnh binh và chỉ huy 38 nữ điều dưỡng lên đường ra mặt trận. Lúc này, bệnh viện tiền phương được đặt trong một doanh trại khổng lồ và bẩn thỉu. Florence đưa ra yêu cầu phải dọn dẹp sạch sẽ để đảm bảo công tác vệ sinh, chống nhiễm trùng, đồng thời tìm cách xoay xở để được cung cấp các phương tiện y tế cần thiết. Chính bà là người quan tâm rất nhiều đến công tác vệ sinh vô trùng để giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn từ 42% xuống còn 2%.

Florence từng viết: “Tôi đứng bên mộ những chiến sĩ đã hy sinh vì bệnh tật. Và trong khi còn sống, tôi sẽ đấu tranh chống lại những nguyên nhân dẫn đến cái chết của họ”. Trong suốt 34 năm, bà đã làm việc không mệt mỏi để bảo vệ sức khỏe cho các chiến binh Anh, đồng thời ra sức cải thiện điều kiện vệ sinh ở nước này và Ấn Độ (thuộc địa Anh thời đó). Trong thời gian này, bà đã tổ chức lại hệ thống điều dưỡng một cách hiện đại.

Trong đêm tối, Forence thường cầm đèn đi chăm sóc cho từng thương bệnh binh từ mặt trận chuyển về. Vì thế, các thương binh đã âu yếm đặt cho bà danh hiệu “Nữ công tước với cây đèn”. Nightingale đã cứu được hàng nghìn mạng sống của thương bệnh binh và cũng được mọi người gọi là “Thiên thần trong bệnh viện”.

Nhưng chính cuộc chiến Crimée đã gieo cho Florence Nightingale căn bệnh sốt, gọi là sốt Crimée (chính là bệnh brucellosis truyền từ gia súc). Trong những năm 1858-1888, sức khỏe bà ngày càng suy yếu rồi đến lúc không còn đi lại được. Tuy vậy, Nightingale không cô đơn vì hàng triệu người trên thế giới vẫn luôn nhớ đến bà. Trong suốt cuộc nội chiến tại Mỹ, chính phủ nước này đã luôn tham khảo và xin ý kiến của bà về việc tổ chức các bệnh viện dã chiến để chăm sóc thương bệnh binh tại chiến trường.

Khi không còn khả năng làm việc, Florence được nhân dân và các chiến sĩ Anh tặng món quà 50.000 bảng Anh để chăm sóc sức khỏe. Nhưng bà đã dùng tất cả số tiền này thành lập trường điều dưỡng Nightingale với chương trình đào tạo một năm. Từ đấy, Florence được coi là người sáng lập ra ngành điều dưỡng thế giới và ngày sinh 12/5 của bà trở thành ngày truyền thống của ngành điều dưỡng.

Florence Nightingale ra đi vào giấc ngủ trưa ngày 13/8/1910. Trong dịch SARS năm 2003 tại Trung Quốc, các chương trình văn hóa nhằm ca tụng tinh thần hy sinh của đội ngũ y tế được đặt tên là “Chương trình Nightingale”. Điều đó cho thấy ảnh hưởng và vai trò quan trọng của bà đối với công tác điều dưỡng.

Nguồn: DS. Trương Tất Thọ

Thẻ:
Contact Me on Zalo
0911455379