ac.hailevan@gmail.com

Mr Hải 0911 455 379

Viện Công nghệ sinh học chế tạo thành công bộ Kit chẩn đoán Covid-19

Ngày: 04/03/2020 | Bởi: Quản Trị


Chiều 3/3, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) công bố chế tạo thành công bộ Kit chẩn đoán Covid-19.

Sau một thời gian tích cực nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) đã chế tạo thành công bộ Kit chẩn đoán Covid-19. Thành công này đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia phát triển, chế tạo thành công nghệ Kit chẩn đoán Covid-19.

Kit chẩn đoán Covid-19 do các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) chế tạo được phát triển dựa trên công nghệ Real-time PCR, trên cơ sở các bộ mồi và mẫu dò được thiết kế và chỉnh lý dựa trên các gen và vùng gen quan trọng của Covid-19 được phân lập tại Việt Nam mà nhóm nghiên cứu đã giải trình tự.

viet nam che tao thanh cong kit chan doan covid-19 trong 80 phut hinh 1
Kit chẩn đoán Covid-19 do các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) chế tạo.

Vật liệu được sử dụng để phát triển Kit chẩn đoán là mẫu RNA đã được tách chiết từ Covid-19 gây bệnh cho bệnh nhân Việt Nam do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung cấp, các gen cũng như các vùng gen được nhân dòng từ RNA của Covid-19 để làm mẫu chuẩn cho việc nghiên cứu và cung cấp các trình tự cho việc thiết kế các bộ mồi và mẫu dò; các mẫu RNA của một virus gây bệnh đường hô hấp ở người do bệnh viện Trung ương quân đội 108 và Viện Y học dự phòng Quân đội cung cấp.

PGS.TS Đồng Văn Quyền, Phó viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, trưởng nhóm nghiên cứu nói: “Bộ Kit này được phát triển dựa trên công nghệ Realtime RT-PCR. Công nghệ này thì được WHO và CDC Mỹ, hay Trung Quốc phát triển dựa trên nền công nghệ này. Nhưng điểm mới của mình là dựa trên công nghệ đó và được tích hợp với việc giải trình tự, phân tích các vùng gen của con virus gây bệnh tại. Từ đó mình tối ưu được các trình tự mồi, hay các mẫu dò cho phản ứng của mình”.

Trước đó, Bộ Kit phát hiện virus SARS-CoV-2 đã được thử nghiệm tại Viện Công nghệ sinh học. Sau thời gian kiểm tra, kiểm định, chiều ngày 2/3/2020, Bộ KIT được công nhận kết quả ngoại kiểm bởi Viện Y học dự phòng Quân đội (Bộ Quốc phòng). Kết quả kiểm định cho thấy, Bộ Kit phát hiện virus SARS-CoV-2 của Viện Công nghệ sinh học có độ nhạy và độ đặc hiệu tương đương với Bộ Kit Realtime RT-PCR của Tổ chức y tế thế giới (WHO). Đặc biệt, với bộ Kit này, thời gian của quy trình chẩn đoán là 80 phút (kể từ khi nhận mẫu RNA của bệnh nhân) và có thể triển khai xác định đồng thời nhiều mẫu cùng một lúc. Quy trình sử dụng không phức tạp, có thể triển khai ở tuyến địa phương.

viet nam che tao thanh cong kit chan doan covid-19 trong 80 phut hinh 2
Các nhà khoa học Việt Nam đã làm chủ công nghệ hiện đại và hoàn toàn chủ động trong việc tạo Bộ Kit phát hiện Covid-19.

TS. Hà Quý Quỳnh, Trưởng Ban ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam nhấn mạnh, ngay từ khi dịch Covid-19 khởi phát, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã đề nghị các nhà khoa học tập trung nghiên cứu về dịch bệnh này, với 4 hướng nghiên cứu chính.

“Ngoài Kit thử, Viện Hàn lâm cũng đang triển khai thêm 3 hướng nghiên cứu nữa. Thứ nhất là Giải trình tự hệ gen của virus SARS-CoV-2, tìm hiểu về cấu trúc và đặc điểm hệ gen của chủng virus lây nhiễm trên các bệnh nhân người Việt Nam. Thứ hai là Nghiên cứu sản xuất vaccine phòng chống Covid-19. Và thứ ba là tìm kiếm, sàng lọc các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính chống virus để điều trị người đã mắc Covid-19”, TS. Quỳnh nói.

Như vậy có thể khẳng định, đến thời điểm này, các nhà khoa học Việt Nam đã làm chủ công nghệ hiện đại và hoàn toàn chủ động trong việc tạo Bộ Kit Realtime RT-PCR dùng để phát hiện Covid-19, không phụ thuộc vào việc nhập ngoại.

Được biết, giá thành bộ KIT phát hiện Covid-19 này của các nhà khoa học Việt Nam sẽ rẻ hơn rất nhiều so với giá thành bộ KIT Realtime RT-PCR của WHO.

Viện Công nghệ sinh học cũng cho biết, sẽ phối hợp với Viện Y học dự phòng Quân đội để sản xuất số lượng nhiều phục vụ yêu cầu xét nghiệm quy mô lớn. Viện cũng sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng khác để triển khai ứng dụng Kit phát hiện Covid-19 góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Ngay sau lễ công bố, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam cũng sẽ báo cáo Bộ Y tế về kết quả nghiên cứu này và chỉ đạo Viện Công nghệ sinh học trong việc sản xuất số lượng lớn các Kit phát hiện, quy trình sử dụng Kit hoặc tham gia xét nghiệm khi có yêu cầu./.

Thông tin thêm:
Viện Công nghệ sinh học (Institute of Biotechnology, IBT), trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vietnam Academy of Science and Technology, VAST), là một viện nghiên cứu đầu ngành về công nghệ sinh học ở Việt Nam. Viện có đội ngũ đông đảo các nhà khoa học được đào tạo chuyên sâu ở trong và ngoài nước về các lĩnh vực khác nhau của công nghệ sinh học hiện đại. 
Nhiệm vụ chính của Viện là nghiên cứu những vấn đề khoa học và công nghệ thuộc các lĩnh vực: công nghệ gen, công nghệ tế bào động vật, công nghệ tế bào thực vật, công nghệ vi sinh, công nghệ protein và enzyme, công nghệ sinh học môi trường, công nghệ sinh học biển, công nghệ vật liệu sinh học, công nghệ sinh học nano, công nghệ sinh – y học, tin sinh học và các lĩnh vực khác có liên quan.

Viện là đơn vị triển khai, ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ mới; tổ chức sản xuất, kinh doanh, tư vấn, dịch vụ về công nghệ sinh học và các lĩnh vực liên quan vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần xây dựng và phát triển ngành công nghiệp sinh học.

Viện là cơ sở đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ cao, tổ chức đào tạo sau đại học và tham gia đào tạo đại học về sinh học và công nghệ sinh học. Viện cung cấp thông tin, tư vấn, bồi dưỡng và nâng cao trình độ cán bộ trong lĩnh vực sinh học và công nghệ sinh học.

Viện tiến hành nhiệm vụ hợp tác quốc tế về sinh học và công nghệ sinh học và các lĩnh vực liên quan: trao đổi cán bộ; cử cán bộ đi đào tạo ngắn hạn và dài hạn (thực tập sinh, thạc sỹ, tiến sỹ và sau tiến sỹ);  tham gia các chương trình/dự án hợp tác khoa học và công nghệ với các nước; tham gia và tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế.

Chức năng

Nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ

a) Nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ thuộc các lĩnh vực:

  • Công nghệ OMICS;
  • Công nghệ gen;
  • Công nghệ protein và enzym;
  • Công nghệ tế bào (động vật, thực vật);
  • Công nghệ vi sinh;
  • Công nghệ sinh – y học;
  • Công nghệ sinh học nano;
  • Công nghệ sinh học môi trường;
  • Công nghệ sinh học biển;
  • Công nghệ vật liệu sinh học;
  • Tin – Sinh học.
b) Nghiên cứu điều tra cơ bản thuộc các lĩnh vực sinh học và những lĩnh vực khoa học khác có liên quan;

c)Triển khai, ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực khoa học khác có liên quan;

d) Đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học và các lĩnhvực khoa học khác có liên quan;

e) Dich vụ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học và các lĩnh vực khoa học khác có liên quan;

g) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học các lĩnh vực khoa học khác có liên quan;và các lĩnh vực khoa học khác có liên quan;

h) Quản lý về tổ chức, bộ máy; quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị theo quy định của Nhà nước và của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam;

i) Quản lý về tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của Nhà nước;

k) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch  Viện giao.

Nguồn: VOV

 

 

 

 

 

Contact Me on Zalo
0911455379