ac.hailevan@gmail.com

Mr Hải 0911 455 379

GS, TS NGUYỄN THẾ HOÀNG VÀ KỲ TÍCH TRONG LĨNH VỰC GHÉP CHI THỂ

Ngày: 04/03/2020 | Bởi: Quản Trị


NỐI TIẾP GIẤC MƠ CỦA 12 NĂM TRƯỚC

Năm 2008, GS, TSKH Nguyễn Thế Hoàng, Bệnh viện TƯQĐ 108 là một trong năm phẫu thuật viên chính được mời tham gia thực hiện ca mổ có một không hai trên thế giới tại Bệnh viện Ngoại khoa Rechts der Isar ở Munich, CHLB Đức, thu hút sự quan tâm, theo dõi của các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế.

Đó là ca phẫu thuật ghép hai cánh tay đồng loại đầu tiên trên thế giới cho một công dân Đức bị mất cả hai cánh tay trong một tai nạn lao động. Ca mổ không chỉ cứu hai cánh tay mà còn cứu cả cuộc sống cho người bệnh.

Các bác sĩ có sáu giờ sau hội chẩn để tiến mổ vào lúc 10 giờ tối. Ở Đức, mọi sự đều rất thuận lợi. Ngoài trang thiết bị hiện đại, bệnh nhân đó được ghép ở vùng cánh tay – vùng chỉ có bốn cơ và mạch máu thần kinh to nên chỉ cần nối động mạch cánh tay, tĩnh mạch cánh tay.

Sau thành công vang dội đó, GS Hoàng trở về Việt Nam, mang theo một ấp ủ, Việt Nam sẽ có những người tìm được lại sự vận động chi thể, bằng phép màu của ghép tạng. “Tôi luôn nung nấu làm sao mình thực hiện can thiệp phẫu thuật như vậy, thực hiện trực tiếp trên bệnh nhân của mình, vừa phát triển kỹ thuật, vừa mang lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống bệnh nhân”, GS Hoàng nói.

Ba năm trước, khi Bệnh viện 108 bắt tay vào công tác chuẩn bị tìm hiểu về ghép chi thể trên thế giới, những thách thức đặt ra cho Việt Nam, về thải ghép sau ghép tạng và đi tìm nguồn hiến. Thế nhưng, hành trình đó, thật sự không hề dễ dàng.

GS Nguyễn Thế Hoàng chia sẻ, hàng chục năm qua, BV TƯQĐ 108 đã thực hiện hàng nghìn ca ghép trồng nối chi thể tự thân. Kinh nghiệm về tạo hình, vi phẫu mạch máu thần kinh ngang tầm thế giới. Nhưng để tìm được người chết não hiến tạng đồng ý hiến chi thể vẫn là con số không!

Danh sách chờ ghép chi thể ngày càng nối dài, nhưng tất cả những trường hợp hiến đa tạng, đều lắc đầu khi được hỏi đến hiến chân, tay.

Đầu tháng 1-2020, một bệnh nhân nam nhập viện trong tình trạng dập dưới cẳng tay cho tới sát nách. 18 ngày điều trị, trải qua ba ca phẫu thuật, phần cánh tay bị hoại tử dần. “Chúng tôi buộc phải cắt bỏ, nếu không bệnh nhân bị nhiễm trùng máu, có thể nhiễm trùng toàn thân, tử vong bất kỳ lúc nào”, GS Hoàng cho hay. Thế nhưng, phần bàn tay dưới của bệnh nhân vẫn còn rất tốt.

Ban giám đốc Bệnh viện họp cận kết, bàn về một kế hoạch táo bạo – lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, ghép chi thể từ người cho sống. Bệnh nhân được lựa chọn phù hợp là anh Phạm Văn Vương, bị mất bàn tay trái từ bốn năm trước.

Gia đình người hiến hoàn toàn ủng hộ, gia đình người nhận nửa mừng, nửa lo. Còn GS, TS Nguyễn Thế Hoàng cùng các bác sĩ, nhiều đêm mất ngủ để lên kế hoạch chi tiết cho một cuộc ghép được coi là cân não nhất từ trước đến nay.

Hơn 20 năm qua, thế giới đã có 89 ca ghép chi thể đồng loài, trong đó ghép cẳng tay được thực hiện nhiều nhất tại Mỹ – 24 trường hợp. Tất cả các trường hợp được ghép đều lấy từ nguồn từ người cho chết não. Những thành công trên lâm sàng ghép bàn tay cũng như sự hài lòng của người bệnh là động lực để các trung tâm y khoa trên khắp thế giới khởi động chương trình ghép tay và ghép chi thể. Thế nhưng, trên thế giới, chưa có một ca ghép chi thể nào từ người cho sống. “Chúng tôi phải thực hiện ghép chạy đua với thời gian vì bàn tay người cho đang hoại tử dần, gấp gáp hơn nhiều so với thời gian lấy chi thể từ người cho chết não”, GS Hoàng nói.

Đi cùng với đó, là một nỗi lo lắng thật sự cho sự an toàn của người bệnh. “Bốn năm qua, bệnh nhân Vương quen với một bàn tay trái bị mất hoàn toàn. Khi quyết định ghép, chúng tôi đứng trước nhiều trăn trở. Nếu chẳng may bệnh nhân ghép bị nhiễm trùng, nguy hiểm tính mạng thì sao. Nguy cơ bị thải ghép, ức chế miễn dịch liệu có bùng phát khiến không kiểm soát được nhiễm trùng trong khi chúng ta chưa có kinh nghiệm trong việc này”, GS Hoàng chia sẻ.

Thế nhưng, trước một sự chuẩn bị đầy đủ nhất từ trước đến nay, GS Hoàng nói với đồng nghiệp “Nếu không ghép lúc nào thì không bao giờ làm được”. Ban Giám đốc thêm vài lần hội chẩn, quyết định “ghép”!

TÁM GIỜ THUẬN LỢI, MỘT THÁNG NÍN THỞ THEO DÕI
Bốn năm sau tai nạn lao động dập nát bàn tay, anh Phạm Văn Vương không kìm được nước mắt khi nhìn thấy bàn tay dù lạ lẫm, to hơn trên cơ thể mình. Đó không phải là bàn tay robot, một bàn tay giả vô tri, vô giác. Anh đã có được trở lại bàn tay còn nguyên vẹn hình hài như bốn năm trước. Bàn tay ấy đã có thể cầm nắm theo sự điều khiển thần kinh.

Gần một tháng trước, ngày 27 Tết, anh Phạm Văn Vương lên bàn phẫu thuật với một tâm lý sẵn sàng cho nhiều tình huống có thể xảy ra với mình. Tại phần cụt, các khối cơ bị khâu chằng chịt, cơ bản không hoạt động. Mạch máu teo nhỏ, biến dạng hết vị trí nên bóc tách khó khăn. Các bác sĩ đối mặt với muôn vàn thách thức.

GS, TS Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, khác với ghép các tổ chức khác, chi thể có nhiều cấu trúc da, mỡ dưới da, gân, xương, khớp, dịch khớp, mạch máu, thần kinh… tiềm ẩn nhiều kháng nguyên, thải ghép khó khăn hơn nhiều so với các các ca ghép khác. “Cấu trúc giải phẫu tổng hợp có 43 cơ vùng bàn tay dưới cẳng tay, khoảng 7-8 mạch máu lớn. Các khối cơ chức năng riêng rẽ, đòi hỏi phục hồi tất cả các cấu trúc. Việc ghép trên nền chi hiến có nguy cơ bội nhiễm nên có nguy cơ cao nhiễm trùng cho người nhận. Những kinh nghiệm liên quan đến chống thải ghép cũng mới bắt đầu làm nên hết sức lo lắng”, GS Hoàng chia sẻ về thách thức.

Trong lúc bệnh nhân lên bàn mổ, các bác sĩ tiếp tục đánh giá về bàn tay được ghép với sự bảo quản tốt nhất. Nếu mổ ra, bàn tay nhiễm trùng nguy cơ cao có thể dừng lại không ghép.

Trong tám giờ đồng hồ vừa cắt chi thể người hiến, vừa tiến hành đánh giá bàn tay được hiến ghép cho người bệnh, GS Hoàng tự hào kể, quá trình phẫu thuật hoàn toàn thuận lợi. Ba năm chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá về ca ghép chi tiết nên kíp mổ gồm hơn 20 bác sĩ, điều dưỡng đã phối hợp vô cùng nhịp nhàng.

Khi ghép xong, các bác sĩ theo dõi sát từng giờ, từng ngày tình trạng người bệnh, nếu xuất hiện nhiễm trùng, sẵn sàng cắt bỏ bàn tay cứu bệnh nhân.

“Tôi gần như ăn Tết tại bệnh viện. Ngày nào cũng qua kiểm tra tình trạng bệnh nhân và thật mừng khi bệnh nhân phục hồi rất tốt. Tất cả các cấu trúc giải phẫu đã phục hồi và bàn tay ghép đồng loại được tưới máu đầy đủ giống như tay bên lành. Ngay sau mổ, anh Vương đã có thể tự vận động nhúc nhích được các ngón tay của bàn tay ghép. Chỉ hơn một tháng sau ghép, anh đã có thể sử dụng bàn tay ghép để cầm nắm một số các đồ vật thô. Kết quả phục hồi chức năng của người bệnh rất tốt”, GS Hoàng hạnh phúc nói. Sau 6-9 tháng, chức năng của bệnh nhân sẽ tốt dần lên và có thể cầm những vật tinh tế khác.

Từ lao động chính, anh Vương đã trở thành một người sống khép mình, dằn vặt vì phụ thuộc. Mọi lao động nặng đổ dồn lên vai người vợ. Hơn một tháng sau ca ghép tay, anh Vương không giấu được sự xúc động “Ước mơ của tôi có sức khỏe để lo cho gia đình lo cho vợ con. Với bàn tay được Bệnh viện TƯQĐ 108 trao tặng, đó là một điều kỳ diệu lớn lao. Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc chân thành nhất người tặng tôi bàn tay này”.

NHIỀU ẤP Ủ TRONG LĨNH VỰC GHÉP CHI THỂ TẠI VIỆT NAM
GSNguyễn Thế Hoàng tâm sự, có rất nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng không thể cứu vãn nổi chi thể. Có những nam thanh, nữ tú chỉ mới 18-19 tuổi rơi vào tuyệt vọng, bi quan khi không còn bàn tay, cánh tay hay cẳng tay. Lúc đó, anh chỉ có mong muốn, nếu ai đó có tấm lòng nhân ái, hiến chi thể cho bệnh nhân thì chất lượng cuộc sống của họ tốt hơn rất nhiều.

Trong khi đó, những người không may gặp tai nạn mà bị dập nát chi thể, phải bỏ đi rất phí. Nếu chi thể có thể ghép cho người khác có các chỉ số tương thích, sẽ mở ra triển vọng lớn cho nhiều người bệnh.

Tuy nhiên, việc hiến tặng chi thể từ người cho chết não và người cho sống là một vấn đề thách thức rất lớn vì quan điểm toàn thây của người Việt Nam. Bên cạnh đó, trong ghép chi thể, không phải khó khăn ở vấn đề kỹ thuật mà còn nhiều thách thức trong sử dụng chống thải ghép và bảo đảm phục hồi chức năng sau này cho người bệnh.

Do đó, Bệnh viện TƯQĐ 108 tiếp tục chuẩn bị kỹ về cơ sở lý luận cũng như thực tiễn để có thêm nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật này cũng như lên danh sách những người chờ ghép. “Chúng tôi đưa bệnh nhân vừa hiến cánh tay vào danh sách chờ ghép. Biết đâu ngày nào đó, có thể anh ấy sẽ được ai đó tặng lại cánh tay”, GS Hoàng chia sẻ.

Việc Việt Nam chinh phục thành công kỹ thuật ghép chi thể đồng loài mở ra cơ hội lớn cho những nạn nhân không may bị tai nạn lao động, các thương binh tìm lại sự vận động bình thường với bàn tay, bàn chân bằng da, bằng thịt có chức năng và thẩm mỹ giống chân, tay bình thường.

12năm sau thành công đầu tiên vang dội trên toàn thế giới, GS, TS Nguyễn Thế Hoàng khiêm tốn đánh giá thành công của ca ghép chi thể đồng loài đầu tiên từ người cho sống mới chỉ là thành công bước đầu. GS Hoàng bày tỏ, triển vọng và khả năng của kỹ thuật này còn phía trước rất nhiều, để giúp được cho nhiều bệnh nhân khác nhau. “Với việc áp dụng cách thức sáng tạo trong ghép chi thể từ người cho sống, tôi tin, con số ghép chi thể không dừng lại ở 89. Nó sẽ mở ra hướng mới về nguồn cho tạng đang là vấn đề rất bế tắc trong vấn đề ghép chi thể”, Phó Giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108 bày tỏ hy vọng.

 

 

 

 

 

Contact Me on Zalo
0911455379